­

[Phim ảnh] Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai

08:22:00

Dạo này có vẻ như tôi khá "dễ dãi" với chính mình hay sao ý mà giờ xem phim tôi chỉ cần đọc nội dung tóm tắt trên web và ngó qua thể loại là gì rồi bắt đầu cắp mông đến rạp. Bộ phim này là một trong những phim được tôi chọn lựa như vậy. Nhưng may quá, nó rất hay!!

Vào ngày thứ hai công chiếu, tôi chạy te te đến Lotte mua vé vào suất đầu tiên của ngày. Rạp có 10 người - đúng 5 cặp ngồi ở 5 vị trí khác nhau. Vẫn như thường lệ, tôi chọn ngồi ở vị trí cao nhất. Bên cạnh tôi là một cô bạn ... không quen. Lúc ấy tôi nghĩ, hóa ra trên đời vẫn có những người như mình.


Trailer phim Chuyện Gì Xảy Ra Với Thứ Hai

Phim không được đánh giá quá cao ở IMDB (chỉ 6.9 điểm), nhưng lại được rất nhiều khán giả khen nức nở. Ban đầu khi chưa đọc nội dung, tôi cứ nghĩ nó là một bộ phim hài lãng xẹt kể về câu chuyện tình yêu cảm nắng của một cô nàng nào đó. Nhưng thực chất thì nó lại "viễn tưởng" hơn nhiều. Phim diễn ra trong bối cảnh bùng nổ dân số. Thế giới lúc này có những 10 tỉ người. Thức ăn khan hiếm. Năng lượng thiếu hụt. Đó là lý do nước Mẽo bắt đầu thực thi chính sách sinh đẻ một con để mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội (Xem đến đây mới thấy chú Mẽo tụt hậu ghê. Trong khi chú Trung đã thực thi chính sách này hồi dân số thế giới đang còn 6, 7 tỷ gì đấy, chú Mẽo phải đợi đến con số 10 mới bắt đầu). Và dĩ nhiên gia đình nào có nhiều hơn một đứa thì những đứa sinh sau sẽ bị bắt lại và thực hiện quá trình ngủ đông, đợi khi nào thế giới giải quyết được vấn nạn dân số thì mới cho rã đông mấy đứa. Nhưng thực chất thì những đứa nhỏ đó lại bị tiêu hủy. Vâng, là TIÊU HỦY đấy. 

Nhân vật chính trong phim gồm 7 chị em nhà Settman, do một mình chị Noomi Rapace thủ vai (diễn viên chính trong phim Cô gái có hình xăm rổng). Và công nhận, chị ấy đã diễn quá xuất sắc 7 nhân vật với những cá tính và khả năng khác nhau. Quay trở lại mạch phim, do chính sách một con được ban hành nên ông ngoại của '7' cô gái này (do chú Willem Dafoe thủ vai) quyết định đặt tên các cháu của mình theo thứ tự các ngày trong tuần, bắt đầu bằng Thứ Hai và kết thúc là Chủ Nhật. Mỗi người chỉ được ra ngoài vào ngày trùng tên với mình và họ đều có chung một danh tính là Carren Settman. Mọi chuyện bắt đầu xảy ra vào một ngày khi cô chị cả Thứ Hai không trở về. 


Bảy người, một danh tính

Phim có những chi tiết giật mình khiến cô bạn ngồi cạnh tôi phải thốt lên "Ôi trời ơi!" rồi sau đó quay sang cười toe với tôi như một cách để lấp liếm sự ngượng ngùng của mình. Xem được một phần 4 phim, chúng ta sẽ ngờ ngợ được hung thủ. Xem được một nửa bộ phim, tôi chắc mẩm kẻ đứng sau là ai. Lúc biết được điều đó, tôi nửa bất ngờ nửa không. Cuộc chiến vì danh tính, vì đấu tranh cho sự tồn tại của bản thân, cho mong muốn được người khác công nhận và khẳng định mình là ai có khi còn đánh bật được hai chữ gia đình. 

Khi 7 con người với những cá tính, phong cách và suy nghĩ khác nhau phải cố gắng ép bản thân vào khuôn mẫu của cùng một người mang tên Carren Settman, cũng là lúc người xem hiểu được giá trị thực của bản ngã. Điều này khiến tôi liên tưởng đến một sự thật ngày nay, khi người lớn cố 'cắt gọt' những người trẻ theo khuôn mẫu chung mà họ đã đặt ra. Họ dạy chúng ta phải nịnh nọt, phải "quan hệ", phải "vì mình" kẻo không trời sẽ tru đất sẽ diệt, phải biết chọn những nhóm lợi ích mà chơi, bla blo. Tất cả những điều đó hoàn toàn trật khỏi những gì con người ta được dạy trong sách đạo đức thưở nhỏ. Và nếu bạn không phải là khuôn mẫu đó, bạn sẽ bị đào thải cho sự khác biệt của mình. Dĩ nhiên, bộ phim không nói quá nhiều về những điều tôi liên tưởng. Nó chỉ đơn thuần nói về bản ngã con người, khi mỗi người là một cá thể độc lập và khác biệt phải mang trên người cùng một danh tính để tồn tại. Thật đáng buồn làm sao!

Phim cũng đặt ra một câu hỏi về nhân tính và lợi ích. Như tôi đã nói, phim được đặt trong bối cảnh dân số thế giới tăng cao, lương thực cùng năng lượng trở thành một mối bận tâm lớn, chính sách một con được đưa ra nhằm giúp con người không đi đến bờ vực tuyệt chủng. Thay vì thực hiện lời "thề thốt" trước toàn dân rằng những đứa con thứ trong một gia đình sẽ được đem đi ngủ đông, nhưng trên thực tế, chúng lại bị tiêu hủy. Đối với những người cho rằng 'tôi đang lo lắng cho tương lai của nhân loại', đó có thể là một hành vi 'nhân đạo' - hy sinh những cá thể nhỏ để giữ tồn vong cho tập thể lớn. Nhưng với những người tuân thủ theo suy nghĩ 'giết người là tội ác', thì hành vi này quá mức vô nhân đạo. Sau khi bộ phim kết thúc, mày tôi nhăn lại và ngẫm, 'Vì sao người ta không cho ngủ đông những đứa con thứ? Có phải vì điều này chẳng tạo nên được lợi ích gì cho họ hay không? Hay bởi họ không muốn tốn tiền nghiên cứu cho công nghệ ngủ đông này? Vì sao người ta không tìm một giải pháp tốt hơn cho vấn nạn dân số như tìm kiếm một hành tinh sự sống mới, nghiên cứu những nguồn năng tượng mới từ rác thải hay nghiên cứu đất và thực hiện trồng thủy canh mà không cần phải có đất quá rộng? Vì điều này không nằm trong danh sách lợi ích của họ?' Câu trả lời đơn giản nhất trong trường hợp này đó là 'Vì đó là phim.' Tuy nhiên, nếu nó thực sự xảy ra, Chính phủ sẽ lựa chọn làm như thế nào? Đi theo lợi ích mà họ cho là nhân đạo? Hay đi theo chính sách người dân cho là có lợi? Có lẽ còn quá sớm (nhưng cũng có thể là quá trễ) để nghĩ tới điều này. 

Nói về kết phim, lúc đầu tôi không hiểu mấy. Nhưng sau khi về đọc bình luận trên mạng, tôi mới hiểu nó là gì. Khi người ta tìm được hạnh phúc hay điều gì đó mới cần được bảo vệ, họ sẽ sẵn sàng hy sinh những giá trị cũ. Điều này khiến tôi nghĩ đến một thực trạng nào đó ngày nay. Nhưng có lẽ tôi sẽ không đi quá xa về vấn đề này và để dành nó cho một bài viết khác vậy. 

You Might Also Like

0 nhận xét

Like Me On My Fanpage