Có nên học tiếng Anh không?
00:30:00
Trước khi đua đòi chúng bạn và cả thế giới này để học tiếng Anh, hãy hỏi bản thân bạn hai câu: 1. Tiếng Anh là gì?, 2. Học để làm gì?
1. Tiếng Anh là gì?
Là phương tiện dùng để giao tiếp.
Chấm hết.
Tiếng Anh hay bất kỳ tiếng gì đi nữa thì nó cũng chỉ là vậy thôi.
Mà giao tiếp để làm gì thì chắc tôi chẳng cần phải nói nữa.
Nếu bạn sống một mình trên đời này hay quyết định cả đời chôn chân trên một hoang đảo không người thì bạn chẳng cần phải học ngôn ngữ để giao tiếp đâu.
Nhưng vì bạn đang sống cùng người khác. Bạn phải đi học. Bạn muốn kiếm tiền. Muốn đi làm. Muốn tán (trai) gái. Bla blo đủ thứ lý do, thì bạn cần phải giao tiếp để người khác (hay bạn) hiểu bạn (hay người khác) đang muốn gì.
Còn nếu dùng ngôn ngữ để giao tiếp mà không ai hiểu thì tốt nhất là bạn nên xem lại định nghĩa trên về tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ nói chung đi.
Xin kể cho bạn mấy mẩu chuyện ngắn thế này.
1. Có lần ông cậu tôi (dân kỹ thuật) đang nói chuyện với mẹ tôi, tôi có nghe được một câu thế này, " 'Ma nít dờ' của em bảo sau một thời gian làm việc ở đây thì nên nhảy chỗ khác. Lương khi đó sẽ cao hơn." Lúc ấy trong đầu tôi cứ tự hỏi 'ma nít dờ' là cái quái gì vậy. Sau một hồi ngẫm nghĩ thì mới biết nó là 'Manager'. Lúc ấy tôi tự hỏi là liệu mẹ mình có hiểu lời cậu tôi nói hay không. Bởi mẹ tôi không biết tiếng Anh. Mà đến tôi là đứa học tiếng Anh còn chẳng hiểu gì cả nữa là.
2. Có lần tôi vào quán cafe và đang ngồi chờ bạn thì nghe thấy một chị bàn bên đang nói như sau: "Hiện giờ, 'tim' (team) của em đang 'rân' (run) một 'pờ rồ chéc' (project) về 'khầm miu ni ti' (community)." Và thú thực là tôi đã đơ mất mấy giây khi nghe thấy vậy vì chẳng hiểu gì hết.
Bạn có thể nói tiếng Anh không nhanh, giọng chẳng đúng chuẩn Mỹ hay Anh, nhưng nếu nói học tiếng Anh chỉ để thể hiện như vậy thì thôi đi.
Thế giới này phát triển và hiện đại không nhờ những cách nói... mà chẳng ai hiểu kiểu như thế. Nó lớn mạnh vì những điều khác kìa.
Thế nên hãy xem tiếng Anh là một người bạn thích, muốn tán đổ thì bạn phải biết người đó là ai và người đó cần gì.
Tiếng Anh là 'kẻ trăng hoa phụ bạc'. Bạn cần nó chứ nó không cần bạn. Bạn dùng nó không đúng nơi đúng chỗ thì bạn bị đá thôi.
2. Học để làm gì?
Thầy giáo tôi từng khuyên, mỗi khi làm một điều gì đó, hãy tự hỏi bản thân rằng 'Rồi sao nữa?'.
Điều đó có nghĩa là nếu bạn quyết định học tiếng Anh (thay vì Nhật, Trung hay Pháp), thì nên hỏi chính mình rằng, 'Học xong rồi làm gì? Có đất dụng võ với ngón nghề đó không?'
Hồi tôi đi dạy Ielts, có một cô học sinh hỏi thế này, 'Có dạy ngữ pháp không cô?'. Khi đó tôi liền bảo, 'Ngữ pháp thì em sẽ được ôn những cái căn bản nhất thông qua bài tập. Còn chủ yếu thì em vẫn sẽ học phát âm và các kỹ năng.'
Rồi tôi cũng hỏi bạn đó rằng bạn học Ielts để làm gì thì bạn bảo là để đi qua Mỹ định cư và chỉ cần 4.5 thôi.
Đến ngày hôm sau, bạn ấy xin tôi nghỉ vì bạn ấy chỉ muốn học ngữ pháp thôi trong khi tôi lại...không chú trọng về ngữ pháp lắm.
Tôi không ngạc nhiên lắm về điều này bởi tôi gặp khá nhiều trường hợp như thế. Có nhiều người học chỉ để cho biết hay chỉ vì trào lưu, thế nên cuối cùng họ bỏ ngang xương trong khi đã được cảnh báo ngay từ đầu rằng Ielts là gì.
Nhiều người tôi gặp có những mục đích học tiếng Anh khác nhau. Nhưng tất cả đều có một điểm chung rằng: họ đều tập trung quá nhiều vào ngữ pháp hơn những kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết.
Học ngữ pháp không sai, nhưng biết căn bản thôi. Ôm đồm quá nhiều là không cần thiết. Ví dụ như tôi từng thấy có người dùng đến mệnh đề quan hệ kép (một loại ngữ pháp rắc rối), mà đến việc dùng câu đơn căn bản lại chẳng nắm vững.
Tiếng anh cũng như tiếng Việt. Ngày xưa cấp 3 học đủ thứ ẩn dụ hoán dụ. Thế giờ bạn xài được bao nhiêu? Tiếng Anh cũng vậy thôi. Hãy chú trọng vào những cái căn bản thôi. Chỉ nên biết nhiều khi bạn quyết định học lên thạc sĩ ngành ngôn ngữ Anh.
Và như đã nói thì tiếng Anh được dùng để giao tiếp (không phải để thể hiện).
Nếu giao tiếp bằng lời thì nên học phát âm cho chuẩn. Giọng điệu khác nhau không phải là vấn đề. Phát âm cùng một thứ tiếng theo những cách khác nhau mới là chuyện lớn. Bởi khi đó chẳng ai hiểu bạn nói gì ngoài bạn cả.
Nếu giao tiếp bằng văn bản thì chú ý đến việc ghi đúng từ cần dùng trong đúng ngữ cảnh. Như thể trong tiếng Việt ấy, khi bạn nói chuyện với bạn bè thì có thể dùng 'mi', 'ta' nhưng không thể dùng kiểu xưng hô này trong khi bạn đang thuyết trình hay trong bối cảnh trang trọng đúng không?
Tương tự thì tiếng Anh cũng giống thế thôi.
Cuối cùng thì...
... nếu đã xác định theo đuổi thứ ngoại ngữ này, hãy hỏi chính mình rằng nó là gì và vì sao bạn cần nó. Và nếu đã theo thì hãy có trách nhiệm hơn. Chứ đừng 'cưỡi ngựa xem hoa' để rồi cuối cùng lại thành công cốc, tốn thời gian và công sức.
0 nhận xét